Khám phá các vật liệu làm mái che giếng trời thông dụng nhất hiện nay

Hiện nay, các ngôi nhà ống, nhà phố đều sử dụng một phần không gian, diện tích để làm giếng trời, và tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên cùng sự thoáng đãng mà khoảng không này đem lại. Chính vì thế, việc làm mái che giếng trời được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết các vật liệu làm mái che giếng trời thông dụng nhất hiện nay là những loại nào và lựa chọn nào tối ưu nhất.

Giếng trời giúp ngôi nhà thoáng đãng hơn rất nhiều trong thiết kế của Nhà Hạ Long (Ảnh: Triệu Chiến)

Làm mái che giếng trời bằng tôn, bạt

Tôn và bạt là hai vật liệu được sử dụng để làm mái che giếng trời tuy nhiên không phải ngôi nhà nào cũng có thể dùng được. Vì tôn, bạt lấy sáng kém hơn vật liệu như kính hay nhựa. Ưu điểm chung của hai loại này là giá thành rẻ và dễ dàng thay thế.

Mái che bằng bạt nhẹ, mát nhưng về độ thẩm mỹ lại không cao

Với mái che giếng trời từ bạt sẽ hấp thụ gió, mang lại sự thoáng mát cho không gian. Mái che bằng vải bạt sử dụng với hệ thống khung đỡ tự động hoặc bán tự động. Người ta thiết kế hệ thống thanh đỡ bằng kim loại, tấm vải bạt lớn sẽ được phủ lên trên và cố định theo từng phần tiếp xúc với thanh đỡ. Hai đầu của thanh được treo vào dây cáp hoặc cố định vào các thanh ray trượt đặt vuông góc ở góc giếng trời. Loại mái này thường được kết hợp với mái kính để cản bớt nắng gắt.

Còn với tôn, vật liệu này có ưu điểm sẽ khiến mái giếng trời bền vững và kiên cố hơn. Tuy nhiên, mái tôn không được thẩm mỹ lắm và cũng che hẳn ánh sáng tự nhiên của khu vực giếng trời

Làm mái che giếng trời bằng kính

Kính là vật liệu phổ biến và được sử dụng nhiều hơn cả để làm mái che giếng trời. Thành phần của kính có sợi thuỷ tinh nên có thể dễ dàng uốn cong, tạo hình theo ý tưởng thiết kế riêng.

Ưu điểm của mái che bằng kính là lấy sáng tốt nhờ độ trong suốt cao, kết cấu mái vòm hay mặt phẳng kết hợp viền lan can giúp lưu thông, điều hòa không khí

Hơn nữa, loại mái che này sẽ chịu lực tốt, có độ bền cao và cách nhiệt, hạn chế tia UV. Thêm vào đó, vật liệu kính thường dễ vệ sinh và làm sạch do bề ngoài nhẵn, bóng.

Như mang cả thiên nhiên vào trong nhà nhờ có khoảng giếng trời như này

Nhược điểm của mái che giếng trời bằng kính là không cản được nắng gắt. Giá thành cao hơn so với mái bằng bạt hay nhựa.

Mái che giếng trời bằng kính rất đa dạng kết hợp được với nhiều ý tưởng khác nhau

Thông thường, mái bằng kính sẽ được dán thêm lớp cách nhiệt hoặc kết hợp với lam chắn hoặc tấm bạt để hạn chế bớt ánh nắng.

Làm mái che giếng trời bằng nhựa

Được coi là phiên bản nhựa của kính cường lực, mái che giếng trời bằng nhựa có độ bền, tính an toàn, khả năng chịu lực tốt. Cũng như mái che bằng kính, nhựa có thể lấy ánh sáng tự nhiên nhưng vẫn ngăn chặn được tia UV, khả năng cách nhiệt, cách điện, cách âm tốt. Người sử dụng dễ dàng vệ sinh, làm sạch.

Trọng lượng nhựa nhẹ nên mái che giếng trời bằng nhựa có thể dễ dàng vận chuyển, lắp đặt mà không đòi hỏi phải cần có đội ngũ thi công có tay nghề.

Nhược điểm của loại vật liệu này là độ truyền sáng và độ trong suốt so với những mái bằng kính vẫn kém hơn

Việc mang ánh sáng và khí trời là nhu cầu không chỉ của riêng ai, nhất là tại nhưng đô thị, thành phố lớn. Thiết kế giếng trời chính là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Để đáp ứng cho mục đích và ý nghĩa sử dụng của mỗi chủ đầu tư, các loại mái che giếng trời với những vật liệu khác nhau đã ra đời. Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng, bạn cần lựa chọn loại nguyên vật liệu phù hợp để có được công trình hoàn thiện nhất.

Bài viết: Minh Trang

Theo Happynest.vn